Thủ tướng dự lễ kỷ niệm 30 năm phong trào doanh nhân trẻ

Thông cáo báo chí của VPCP cho biết: Chiều 27/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ kỷ niệm 30 năm phong trào doanh nhân trẻ Việt Nam do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức.

Thủ tướng dự lễ kỷ niệm 30 năm phong trào doanh nhân trẻ- Ảnh 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự sự kiện có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, từ một câu lạc bộ doanh nghiệp trẻ được thành lập với 15 hội viên ban đầu, đến nay Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã có chi nhánh tại 63 tỉnh, thành phố, tập hợp gần 19.000 hội viên.

Hoạt động của Hội đã đạt được nhiều thành tựu, khẳng định là một trong các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp uy tín, có tầm ảnh hưởng tốt đẹp không chỉ đối với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp mà còn đối với xã hội.

Nhiều chương trình ý nghĩa được tổ chức trong thời gian qua gắn với thương hiệu Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam như: Giải thưởng Sao Vàng đất Việt tôn vinh thương hiệu Việt Nam tiêu biểu, Giải thưởng Sao Đỏ tôn vinh Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu…

Đặc biệt, việc tham gia Hội Doanh nhân trẻ ASEAN, Hội Doanh nhân trẻ châu Á – Thái Bình Dương là một bước tiến quan trọng trong việc khẳng định vị thế và hình ảnh của doanh nhân trẻ Việt Nam đối với cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp trong khu vực và thế giới.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết gửi lời chào, lời thăm hỏi, lời chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới các doanh nhân trẻ và phong trào doanh nhân trẻ Việt Nam.

Điểm lại những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã vươn lên bằng tinh thần tự lực, tự cường, bằng sức mạnh nội sinh, dựa trên nguồn lực con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử, khẳng định được mình, vươn tầm thế giới, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Trong giai đoạn 1986 – 2022, Việt Nam lọt top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất thế giới.

Thủ tướng khẳng định, trong thành tựu chung đó, có đóng góp của đội ngũ doanh nhân, doanh nhân trẻ Việt Nam, dòng chảy 30 năm của phong trào doanh nhân trẻ Việt Nam đã hoà nhập dòng chảy hào hùng của đất nước.

Thủ tướng một lần nữa khẳng định 5 bài học kinh nghiệm quý báu qua quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: (1) Kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; (2) Nhân dân làm nên lịch sử; sự nghiệp cách mạng là của toàn dân, do dân, vì dân; (3) Đoàn kết tạo nên sức mạnh, gồm đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế; (4) Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài; (5) Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, các doanh nhân trẻ Việt Nam cũng cần vận dụng các bài học này để tiếp tục phát triển, ngày càng lớn mạnh, vượt sóng vươn xa.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta xây dựng và phát triển đất nước dựa trên 3 trụ cột: Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực, động lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Ông đánh giá, các doanh nhân và doanh nhân trẻ Việt Nam cũng đã tích cực tham gia, đóng góp thực hiện định hướng lớn này, thể hiện rất rõ trong phòng chống đại dịch COVID-19 vừa qua.

Thủ tướng cho biết, ông nhấn mạnh điều này để thấy sứ mệnh, trách nhiệm của các doanh nhân, doanh nhân trẻ với đất nước, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, với cộng đồng, với xã hội, nhất là trong những thời khắc khó khăn.

Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Đối ngoại và hội nhập là một điểm sáng trong năm 2023.

Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp hài hòa, hợp lý với ngoại lực là quan trọng và đột phá. Trong nền kinh tế, doanh nghiệp là lực lượng xung kích, trong đó có đội ngũ doanh nhân trẻ.

Đồng thời, Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Chúng ta phát triển văn hóa ngang tầm chính trị, kinh tế, xã hội, xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa soi đường cho quốc dân đi.

Theo Thủ tướng, chúng ta vẫn có những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, song điều quan trọng là chúng ta kiên định với đường lối đúng đắn đã được xác định và phát hiện ra những vấn đề, khó khăn, vướng mắc để điều chỉnh kịp thời.

“Những đường lối này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước ta và phù hợp với xu thế của thời đại. Chúng ta tự tin đi lên với đường lối này và tôi tin chắc là chúng ta sẽ làm được, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng phát biểu.

Thời gian tới, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, thời cơ, thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức song khó khăn, thách thức nhiều hơn. Nhiều vấn đề nổi lên mang tính chất toàn cầu, toàn dân, do đó, cách tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận phải mang tính toàn cầu, toàn dân, đặt trong tổng thể của thế giới thì mới tranh thủ được sức mạnh của thời đại.

Thủ tướng cho rằng, phải xác định là không có việc gì dễ dàng, nhất là trong bối cảnh một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế còn nhỏ, độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế. Mặt khác, chúng ta không bi quan mà phải luôn lạc quan, tự tin để vươn lên.

“Có những lúc chúng ta còn khó khăn hơn rất nhiều nhưng chúng ta vẫn tìm được con đường đi lên, không có lý do gì mà bây giờ chúng ta lại không làm được. Lịch sử đã hun đúc, trao cho chúng ta sứ mệnh thì chúng ta phải làm và phải làm tốt hơn. Đã cố gắng rồi thì phải cố gắng hơn, đã nõ lực rồi phải nỗ lực hơn, quyết liệt rồi thì phải quyết liệt hơn, đã thành công rồi phải thành công hơn”, Thủ tướng phát biểu.

Thời gian tới, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục cụ thể hóa, triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền làm chủ của Nhân dân; thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, phát huy vai trò Chính phủ kiến tạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng nhấn mạnh, cơ chế, chính sách phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt và quản lý phải thông minh. Chính sách thông thoáng sẽ huy động mọi nguồn lực, trí tuệ của người dân, doanh nghiệp cho phát triển. Hạ tầng thông suốt sẽ giúp giảm chi phí, tạo không gian phát triển mới, giá trị mới. Quản lý thông minh sẽ giúp giảm chi phí, thời gian, phòng chống tiêu cực, sách nhiễu.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta xác định phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, từ đó thúc đẩy những lĩnh vực cần tập trung phát triển như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải luôn tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo và phải có sản phẩm, hiệu quả cụ thể.

Thủ tướng đề nghị các doanh nhân, doanh nhân trẻ luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân, Chính phủ để cùng thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước theo những định hướng lớn nêu trên; phát huy sức mạnh nội sinh, tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm của thế giới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước ta.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng trong 30 năm tới, đội ngũ doanh nhân trẻ sẽ đạt được những kết quả, thành tựu lớn hơn nhiều lần những thành tựu, kết quả trong 30 năm qua; các doanh nhân ngày càng phát triển, thế hệ sau kế thừa, phát huy thành quả, kinh nghiệm của thế hệ trước, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ngày càng lớn mạnh hơn, hiệu quả hơn, phát huy trách nhiệm xã hội, góp phần hiện thực hóa khát vọng lớn nhất là xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Trước mắt, Thủ tướng đề nghị đội ngũ doanh nhân, doanh nhân trẻ chung tay cùng cả nước thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”. Đảng, Nhà nước luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nhân trẻ ngày càng phát triển, đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước./.
Theo Chinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/thu-tuong-du-le-ky-niem-30-nam-phong-trao-doanh-nhan-tre-102231128085856491.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *